Mỏ quạ là cách đặt tên theo kiểu dân gian, thường chỉ những loài cây mà một bộ phận nào đó có hình dạng giống như mỏ con quạ. Trên thực tế, có khá nhiều loại cây được dân gian gọi là “mỏ quạ”; tại các địa phương khác nhau, “mỏ quạ” có thể là những cây khác nhau rất xa về phương diện phân loại thực vật.
Trong số đó có 2 loài cây mỏ quạ tương đối thông dụng. Loài thứ nhất, là “mỏ quạ gai” – vàng lồ – là cây có gai giống như mỏ con quạ, phân bố rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc. Loài thứ hai, là “mỏ quạ quả” – song ly to – là cây có quả giống như mỏ con quạ, phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.
A. Mỏ quạ gai - Vàng lồ
https://en.wikipedia.org/wiki/Maclura_cochinchinensis
Mỏ quạ gai hay còn được gọi là vàng lồ, hoàng lồ, xuyên phá thạch, chá căn, địa cẩm căn, la ngưu nhập thạch, hoàng xà,… có tên khoa học là Maclura cochinchinensis, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Phân bố từ Trung Quốc, qua Đông Nam Á đến Queensland và phía bắc New South Wales. Loài cây này sống chủ yếu trong các loại rừng nhiệt đới: phổ biến nhất trong rừng nhiệt đới gió mùa.
Loại cây này mọc hoang và thường được trồng làm hàng rào, ở những đồi hoang hay đất vườn. Đặc điểm cây nhỏ, thân mềm yếu, nhiều cành, tạo thành bụi, có khi mọc thành cây nhỡ, chịu khô hạn rất khỏe, có nhựa mủ trắng, rễ hình trụ, có nhiều nhánh, mọc ngang, rất dài, nếu gặp đá có thể xuyên qua được, do đó có tên “xuyên phá thạch” – có nghĩa là phá đá để chui xuyên qua. Vỏ thân màu tro nâu, trên có nhiều bì khổng màu trắng, thân và cành có rất nhiều gai, gai già hơi cong xuống trông như mỏ con quạ (do đó cây được đặt tên là “mỏ quạ”). Lá mọc cách, hình trứng thuôn, hai đầu nhọn, mặt lá nhẵn, bóng, mép nguyên. Nhấm có vị tê tê ở lưỡi. Cụm hoa hình cầu, đường kính 7-10mm, màu vàng nhạt, mọc thành đôi hay mọc đơn độc ở kẽ lá. Hoa đơn tính, đực cái khác gốc. Quả có hình cầu, màu vàng hoặc cam, có vị ngọt, ăn được và là nguồn thực phẩm truyền thống của thổ dân Úc.
Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc, thường dùng nhất là lá tươi; người ta thường hái cả cành, rồi bứt lá riêng ra để sử dụng. Còn thân, rễ, rửa sạch, cắt thành từng mẩu 30-50cm, phơi hoặc sấy khô; vỏ ngoài màu vàng đất, vết cắt màu vàng nhạt, vị hơi tê tê. Theo Đông Y, mỏ quạ có vị đắng nhẹ, tính mát. Có tác dụng lương huyết (làm mát máu), hoạt huyết phá ứ (thông mạch máu, tan máu tụ), chủ trị thương sưng đau, phong thấp lưng gối, đau mỏi, phụ nữ kinh bế, còn chữa lao phổi, viêm gan…
B. Mỏ quạ quả - Song ly to
https://en.wikipedia.org/wiki/Dischidia_major
Mỏ quạ quả hay còn được gọi là song ly to, mộc tiền to, dây mỏ quạ, dây tổ kiến, tai chuột to,… có tên khoa học là Dischidia major, là loài cây leo phụ sinh thuộc họ La bố ma (Apocynaceae), phân họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Dischidia là một chi gồm khoảng 80 loài, dây leo hoặc leo bám, được tìm thấy khắp các vùng nhiệt đới của Châu Á (New Guinea, Moluccas, Philippines, Ấn Độ, vùng nhiệt đới của Úc, Hồng Kông, Đài Loan) qua Tây Thái Bình Dương. Trong rừng thưa, vùng bình nguyên và trung nguyên, độ cao từ 0-100m.
Dây mỏ quạ có quả giả màu xanh giống mỏ con quạ, cung cấp chỗ ở cho kiến, bao gồm cả họ Kiến càng (Dolichoderinae), và nhờ đó mà lượng carbon dioxide và nitơ được tăng lên, cũng như tăng mức độ bảo vệ khỏi các loài động vật và thực vật có hại khác. Thuyết hỗ sinh này, được biết đến với tên “myrmecophily” – loài sống nhờ tổ kiến, rất phổ biến trong thế giới thực vật và rõ ràng nó mang lại lợi ích đáng kể cho cả kiến và thực vật.
Dây leo quấn quanh các cành và thân cây, đặc biệt là những cây gỗ mục. Nó tạo quả giả tròn mọng nước có đường kính khoảng 2cm, rỗng, giống như một chiếc túi dài 12 cm, gợi đến trái Araujia sericifera, một loài cây có cùng họ La bố ma (Apocynaceae). “Lá” hình bầu, có màu tía và nhiều đốm nổi với khí khổng ở mặt bên trong, và có một lỗ mở ở đầu gần cuối cuống lá. Các mảnh vụn hữu cơ và nước mưa, có thể được tăng lên nhờ các chất lỏng được tiết ra, tích tụ trong khoang trống suốt một khoảng thời gian, cung cấp một nguồn dinh dưỡng mà cây tận dụng để phát triển bộ rễ vào bên trong các khoang trống. Dischidia astephana và D.parvifolia không cung cấp nơi cho kiến cư trú, nhưng có rễ xâm nhập vào làm phân hủy gỗ và mùn, giúp tiếp cận các tổ kiến và có thể hấp thu các chất dinh dưỡng từ chất thải của kiến ở đó.
Cây có hoa là màu vàng sọc xanh, và mọc đơn lẻ hoặc thành từng cụm. Ra hoa quanh năm. Quả không lông, hạt nhỏ có một bó lông tơ ở một đầu và bao gồm một phần dưỡng chất hoặc “elaiosome” như là một chất kích thích để kiến di chuyển những hạt giống (myrmecochory) vào tổ của chúng ở bên trong thân cây chủ làm tăng khả năng nẩy mầm và tăng trưởng.
Dân gian thường dùng lá hình bầu để chữa rắn hổ mang cắn. Tại Ấn Độ và Malaysia, người dân dùng rễ lấy trong những chiếc lá hình bầu, phối hợp với lá trầu không làm thuốc trị ho; các thân bò cũng có thể dùng thay thế cho rễ. Những năm gần đây, người ta còn dùng quả hoặc một số bộ phận khác của cây, như lá, thân,… đem ngâm rượu để chế thành thứ rượu được gọi là “Rượu mỏ quạ” có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết, giảm đau. Chuyên dùng cho các chứng tê thấp, đổ mồi hôi tay chân, đau lưng nhức mỏi... Có thể cho thêm vào 1 số vị thuốc Nam hoặc thuốc Bắc, có vị ngọt để làm giảm bớt vị đắng của mỏ quạ.