DIỆN TÍCH589,23 km2
KHU VỰCTỉnh Kiên Giang
DÂN SỐ101.407
Biệt danh | Đảo Ngọc |
---|---|
Tọa độ | 10°10′00″B 104°00′00″Đ |
Mật độ | 172 người/km2 |
Dân tộc | Chủ yếu là Kinh |
Múi giờ | +7 GMT |
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long |
Thành lập | Đô thị loại II |
Phân chia hành chính | 2 thị trấn - 8 xã |
Mệnh danh Đảo Ngọc, Phú Quốc hút hồn du khách phương xa bởi những bãi biển tuyệt đẹp, bởi con người thân thiện và sản vật phong phú. Ẩn sâu trong vẻ đẹp mĩ miều đó, nơi đây cũng trải qua bao thăng trầm biến cố theo lịch sử dân tộc ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Biển xanh, cát trắng, nắng vàng… Phú Quốc in đậm trong tâm trí nhiều người bởi hình ảnh mĩ miều của thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, mời gọi như một câu hát trữ tình. Nằm ở cuối trời Nam, đây là hòn đảo có diện tích lớn nhất (574 km2) trong quần thể gồm 22 đảo trong vịnh Thái Lan. Quần thể các đảo này làm nên huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.
Nhưng Đảo Ngọc đâu chỉ có những bãi biển tít tắp nô đùa sóng vỗ, đâu chỉ có núi đồi bạt ngàn, đâu chỉ có rừng sim tím biếc, đâu chỉ có sản vật quý hiếm đất trời ban tặng… Hòa mình vào dải đất chữ S với bao thăng trầm đao binh, mỗi hạt cát, viên sỏi nơi đây ẩn chứa trong mình lớp lớp dấu chân tiền nhân mở cõi, để “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”…
Thuở xa xưa, Phú Quốc là một hòn đảo vô danh hoang sơ như hàng chục hòn đảo khác ở Vịnh Thái Lan. Đến tận bây giờ các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được cư dân trên đảo đầu tiên là ai. Qua những di chỉ khảo cổ như đồ gốm, công cụ… được tìm thấy, người ta xác định cư dân đầu tiên có mặt trên đảo cách đây 2.500 năm và thuộc nền văn hóa Óc Eo.
Nơi đây chỉ thực sự biết đến vào thế kỷ XVII, khi ông Mạc Cửu, một thương nhân người Quảng Đông - Trung Quốc, chạy lánh nạn nhà Thanh đến khai hoang. Năm 1671, Mạc Cửu mang 400 người gồm gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu lên thuyền rời Phúc Kiến căng buồm về phương nam. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, thuyền Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang vu ở vịnh Thái Lan.
Biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng của vương quốc Chân Lạp, Mạc Cửu xin tị nạn. Nặc Ông Thu (Ang Sur, Jayajettha III) – một vị vua Khmer- cho phép ông được khai khẩn và phát triển một phần lớn vùng đất bỏ hoang phía nam. Lúc đầu, Mạc Cửu xin thần phục Chân Lạp nhưng nhận thấy trong vương triều có sự kèn cựa, ghen tị nên ông chọn lập nghiệp tại một nơi sau này có thể cho ông quyền độc lập. Đó là Hà Tiên, một vùng đất giàu tài nguyên, thích hợp cho khai phá, nằm giữa Lục Chân Lạp với Thủy Chân Lạp.
Mạc Cửu khai hoang khu vực dọc theo vịnh Thái Lan và phát triển công việc cai trị, mậu dịch. Trong năm 1680, Mạc Cửu lập thôn ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Hà Tiên cho đến Cà Mau. Ông còn lập ra 7 thương cảng dọc bờ biển gồm: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Nhờ tài cai trị và buôn bán của họ Mạc, vùng Hà Tiên nhanh chóng trở thành nơi mua bán sầm uất, thu hút khách buôn Trung Quốc, Bồ Đào Nha... đổ về. Lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin về đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa thịnh vượng với tên gọi mới: Căn Khẩu. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc với ý nghĩa là vùng đất giàu có. Ghen tị trước sự trù phú nhanh chóng của vùng đất trước đây là sình lầy, đồi hoang, người Xiêm (Thái Lan) đưa quân sang quấy phá, xâm lược hòng nuốt trọn “miếng bánh” béo bở này.
Mặc Mạc Cửu cầu cứu, Chân Lạp vẫn bình chân như vại vì nội bộ vương triều cũng đang có loạn. Ông và thuộc hạ bị bắt làm tù binh. Mang lòng uất hận Chân Lạp, sau khi thoát khỏi tù đày, Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn để được chở che khỏi giặc Xiêm và bọn cướp biển vịnh Thái Lan quấy phá. Năm 1708, ông dâng đất Căn Khẩu (bao gồm các vùng Long Cai, Cần Vọt, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau và đảo Phú Quốc) cho Đàng Trong. Mạc Cửu được chúa Nguyễn phong chức đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đồng thời đổi tên Căn Khẩu thành Long Hồ dinh. Dưới sự bảo vệ của chúa Nguyễn bằng những cuộc chinh phạt, giữ thế kỷ XVIII, Long Hồ dinh thái bình, đời sống nhân dân yên ổn và nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vùng vịnh Thái Lan.
Năm 1735, Mạc Cửu mất, con trai ông là Mạc Thiên Tứ kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Vì những cống hiến của gia đình họ Mạc, chúa Nguyễn đã nâng dòng họ Mạc lên hàng vương tôn. Bấy giờ, Long Hồ dinh đổi tên thành trấn Hà Tiên. Nhờ sự tác động của họ Mạc, năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua Chân Lạp. Để tạ ơn, Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp gồm toàn bộ vùng duyên hải bao quanh đảo Phú Quốc. Thật ra, đây chỉ là những vùng đất hoang, không người Khmer nào sinh sống vì sình lầy và lụt lội quanh năm. Mạc Thiên Tứ đem dâng hết cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.
Cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19, Phú Quốc là nơi che chở cho chúa Nguyễn Ánh – tức vua Gia Long sau này- khỏi sự truy đuổi của nhà Tây Sơn để ôm mộng phục thù, gây dựng cơ đồ. Nhiều lần Nguyễn Ánh phải dùng thuyền chạy trốn ra đảo Phú Quốc. Lần đầu tiên là vào năm 1780, khi bị truy đuổi khắp nơi trong đất liền, Nguyễn Ánh cùng gia quyến, cận thần đã chạy ra Phú Quốc và lưu lại trong thời gian ngắn để tiếp thêm lương thực. Lần thứ hai là vào năm 1782, Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh tan tác lại phải giong buồm chạy ra đảo. Quân Tây Sơn đã cho đại quân truy nã và đổ bộ lên Phú Quốc. Nguyễn Ánh khi ấy đang đóng quân tại Bãi Khem, phía Nam đảo bị dồn vào bước đường cùng, đành cởi áo bào đổi cho một viên quan cận thần rồi xuống thuyền nhỏ chạy ra biển. Bốn năm sau, bị dồn vào bước đường cùng, Nguyễn Ánh lại phải chạy ra Phú Quốc, rồi để vợ con lại đảo, trở lại Nam Kỳ đương đầu với Tây Sơn. Nguyễn Ánh còn trở lại Phú Quốc vào năm 1795 khi thống lĩnh hạm đội hàng mấy chục chiến thuyền ra đảo để diệt hải tặc.
Khi lên ngôi vua vào năm 1802, để ghi ơn nơi từng chở che mình thuở hàn vi, Nguyễn Ánh tạo nhiều điều kiện cho Phú Quốc phát triển. Dưới thời Gia Long, Phú Quốc đã sớm có một phòng hành chính địa phương, quân sự và các hoạt động giao thương tấp nập. Nhiều di tích liên quan đến vua Gia Long trên đảo Phú Quốc nay vẫn còn được nhân dân gìn giữ, truyền tục với nhiều giai thoại thú vị.
Cuối thế kỷ 19, Phú Quốc gắn với cuộc chiến chống quân Pháp xâm lược đầy bi hùng của dân tộc. Từ năm 1862, Phú Quốc bị thực dân Pháp chiếm đóng và cai trị. Người Pháp thành lập đồn điền cao su, đồn điền hồ tiêu và trồng dừa trên đảo. Do hòn đảo nằm ngoài biển khơi, bị tách biệt với đất liền nên người Pháp tận dụng lợi thế đó để xây dựng nhà tù giam cầm những chí sĩ yêu nước kháng Pháp. Nơi đây ghi dấu năm tháng chiến đấu cuối cùng của anh hùng Nguyễn Trung Trực trước khi ông bị Pháp bắt ở bãi Ông Lang vào năm 1868. Nguyễn Trung Trực bị Pháp đánh gắt, ông di binh về Phú Quốc xây dựng căn cứ tại bãi Hàm Ninh. Khi Nguyễn Trung Trực rơi vào tay quân Pháp, một số nghĩa quân đào thoát và ẩn cư luôn ở vùng rừng hoang trên đảo. Sau nhiều thế hệ nối tiếp nhau, con cháu của những nghĩa sĩ kháng chiến hình thành một ngôi làng ven sông Cửa Cạn cho đến tận ngày nay. Hiện nay tại Phú Quốc còn đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu và mộ của vợ ông – Bà Lớn Lê Kim Định tại Cửa Cạn.
Sau khi thực dân Pháp thất bại rút quân về nước, đế quốc Mỹ nhảy vào với âm mưu độc chiếm miền Nam Việt Nam. Chúng mở lại nhà lao trên đảo và xây dựng thêm để giam cầm hàng vạn tù binh chiến tranh với đủ hình thức tra tấn dã man như thời trung cổ. So với nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc cũng chẳng khác địa ngục trần gian khủng bố thân xác và tinh thần chiến sĩ cách mạng. Năm 1975, nước nhà thống nhất, hệ thống nhà tù trở thành di tích để du khách gần xa đến tham quan, chứng kiến tội ác một thời của Mỹ - ngụy.
Khói lửa chiến tranh chưa kịp tàn thì quân Khmer Đỏ của Campuchia lợi dụng thời cơ khơi mào chiến tranh biên giới Tây Nam, trong đó có âm mưu thôn tính đảo Phú Quốc. Đi đến đâu, quân Khmer Đỏ tàn sát hàng ngàn người dân vô tội đến đó. Làng mạc bốc cháy, tang thương. Chúng đột kích đảo Phú Quốc. Hàng loạt người dân ngã xuống, máu của người trai trẻ đất Việt một lần nữa chảy vì Tổ quốc. Năm 1979, bọn diệt chủng Pol Pot bị lực lượng quân tình nguyện Việt Nam tiêu diệt, giúp Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Ngày nay, Phú Quốc trở thành thiên đường nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Đảo Ngọc thay da đổi thịt từng ngày: những khu resort sang trọng, những con đường láng nhựa, những nhà hàng trên vịnh, khu mua sắm sầm uất... Phú Quốc hiền hòa và xinh đẹp như chưa hề vướng mùi khói lửa đao binh. Nhưng có ngao du hết Phú Quốc, có lần theo bước chân tiền nhân trên từng nẻo đường, ta mới hiểu về nơi vùng đất ra đời, về người cho ta ngày xanh bình yên...